Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát biểu chỉ đạo
Dự hội nghị tại điểm cầu xã Ứng Hoà có đồng chí Nguyễn Tiến Thiết – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã; đồng chí Đặng Viết Đông – Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ; đồng chí Nguyễn Đức Bình – Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã cùng các đồng chí thường trực HĐND, UBND xã; lãnh đạo các ban xây dựng Đảng, Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ, Văn phòng Đảng uỷ, lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc và uỷ ban MTTQ xã.
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo T.Ư về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã ra mắt 3 hệ thống nền tảng ứng dụng phục vụ triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, gồm: Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Hệ thống giám sát, đánh giá Nghị quyết số 57-NQ/TW; Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị, giải pháp sáng kiến phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt 3 nền tảng ứng dụng phục vụ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Nghị quyết số 57 có tầm chiến lược, định hình con đường phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Đây là hội nghị toàn quốc đầu tiên được tổ chức sau khi mô hình chính quyền hai cấp chính thức vận hành tại 34 tỉnh, thành phố từ ngày 1/7
Đồng chí nhấn mạnh, việc ra mắt các nền tảng ứng dụng là bước đột phá trong đổi mới cách triển khai nghị quyết, chuyển từ phương thức truyền thống sang công nghệ số, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả của các cơ quan, cá nhân trong hệ thống .
Đại biểu dự tại điểm cầu Đảng uỷ xã Ứng Hoà
Hội nghị cũng đã nghe đánh giá kết quả nổi bật sau 6 tháng đầu năm: đã hoàn thiện thể chế, chính sách và được Quốc hội đã thông qua hai đạo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Luật Công nghiệp Công nghệ số. BCĐ Trung ương đã hoạt động hết sức quyết liệt, bài bản và sáng tạo, từng nhiệm vụ cụ thể được phân công rõ ràng, đôn đốc sát sao, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời đã đưa vào vận hành Hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, giúp theo dõi tiến độ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ một cách trực tuyến, minh bạch, kịp thời. Bên cạnh đó, đã triển khai Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, sáng kiến, giải pháp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Đây là hai công cụ hết sức quan trọng, góp phần hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo, tránh tình trạng báo cáo hình thức, không đúng thực chất...Một điểm đột phá lớn nhất trong 6 tháng đầu năm đó là BCĐ Trung ương đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 02 KH/BCĐTW ngày 19/6/2025 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số "về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị". Đây không chỉ là một kế hoạch hành động cụ thể, mà còn là một mô hình quản trị mới, hiện đại, dựa trên dữ liệu, rất phù hợp với yêu cầu sắp xếp bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, BCĐ T.Ư về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đó là: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thông thoáng, đột phá.
Thứ hai, ban hành hướng dẫn, đề xuất phương án tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động chiến lược thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; xây dựng dịch vụ công trực tuyến "Đăng ký và quản lý sáng kiến đột phá"; xây dựng quy trình thủ tục xét chọn sáng kiến dự án nêu trong kế hoạch hành động chiến lược; xây dựng tiêu chí, quy chế quản lý, chế độ làm việc, đãi ngộ và quy trình tuyển dụng tổng công trình sư, kiến trúc sư trưởng triển khai các hệ thống chiến lược, các sáng kiến đột phá như đã nêu trong kế hoạch hành động chiến lược.
Thứ ba, hướng dẫn, đào tạo cho các bộ, ngành, địa phương nắm vững cách vận hành hệ thống quản lý nhiệm vụ điện tử; bảo đảm 100% cấp xã có thể trực tiếp báo cáo trên hệ thống điện tử, giảm tối đa báo cáo giấy, rút ngắn thời gian xử lý thông tin.
Thứ tư, đẩy nhanh phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, tạo nền tảng đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Thứ năm, phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn.
Thứ sáu, tập trung bố trí nguồn lực tài chính một cách tập trung, hiệu quả, trán dàn trải, hình thức.
Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực chất, hiệu quả; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ ở tất cả các cấp; đẩy mạnh cơ chế kiểm tra chéo, nhất là giữa các đơn vị trong hệ thống chính trị; công khai kết quả thực hiện trên hệ thống giám sát, đánh giá để toàn xã hội cùng giám sát./.