Mô hình được UBND xã Ứng Hòa phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, Trạm Dịch vụ nông nghiệp và Công ty TNHH Faeger Việt Nam tổ chức triển khai, với quy mô 0,3 ha tại cánh đồng Khó Ngoài, thôn Giang Triều. Ruộng thí điểm được chia thành các ô canh tác theo phương pháp truyền thống và ô áp dụng kỹ thuật tưới khô ướt xen kẽ (AWD), nhằm đo lường sự khác biệt về phát thải khí nhà kính.
Đồng chí Nguyễn Tiến Thiết - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã trao đổi với ông Takai Yusuke – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Faeger Việt Nam về mô hình canh tác giảm phát thải
Sáng ngày 10/7/2025, đồng chí Nguyễn Tiến Thiết – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã đã có buổi làm việc, trao đổi với ông Takai Yusuke – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Faeger Việt Nam và trực tiếp kiểm tra thực địa mô hình. Cùng tham dự còn có đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, Trạm Dịch vụ nông nghiệp Ứng Hòa, Phòng Kinh tế xã, đại diện HTX nông nghiệp và các hộ dân tham gia thực hiện.
Lãnh đạo xã Ứng Hoà, Công ty TNHH Faeger Việt Nam, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, Trạm Dịch vụ nông nghiệp kiểm tra thực tế quá trình lấy mẫu khí
Điểm lấy mẫu khí tại cánh đồng Khó Ngoài, thôn Giang Triều, xã Ứng Hoà
Mô hình sử dụng phương pháp canh tác thông minh, phát thải thấp (SRI - AWD), giúp giảm khí metan (CH4) và nitrous oxide (N2O) – hai loại khí nhà kính chủ yếu trong sản xuất lúa. Việc lấy mẫu khí được thực hiện định kỳ mỗi tuần một lần vào sáng thứ Năm, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10/2025. Theo thuyết minh dự án, mô hình giúp giảm 30% chi phí đầu vào, tăng 50% tỉ suất lợi nhuận và giảm khoảng 10% lượng khí nhà kính phát thải ra môi trường.
Đặc biệt, khi mô hình được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế, nông dân có thể bán tín chỉ các-bon với đơn giá khoảng 50 - 60 USD cho mỗi tấn CO₂. Công ty TNHH Faeger cam kết chia sẻ 40% doanh thu từ tín chỉ các-bon cho nông dân và địa phương (tương đương từ 20 – 25USD) thanh toán hằng năm sau khi hoàn tất quy trình xác minh và chứng nhận.
Công ty TNHH Faeger là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực khử các-bon trong nông nghiệp, đã được Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật Bản giới thiệu với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Tại Hà Nội, đơn vị này đã được UBND Thành phố cho phép thực hiện dự án canh tác lúa giảm phát thải trên địa bàn theo Văn bản số 509/UBND-KTN ngày 15/02/2025.
Điểm lấy mẫu khí tại cánh đồng Khó Ngoài, thôn Giang Triều, xã Ứng Hoà
Theo các báo cáo kiểm kê khí nhà kính, ngành nông nghiệp hiện đứng thứ ba về mức phát thải, chỉ sau ngành năng lượng và giao thông vận tải. Trong đó, riêng canh tác lúa chiếm tới 75-80% tổng lượng khí metan phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, việc chuyển đổi sang mô hình canh tác lúa thông minh không chỉ giúp tăng năng suất, bảo vệ môi trường mà còn là giải pháp chiến lược nhằm thực hiện các cam kết quốc gia về biến đổi khí hậu.
Với vị trí là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm và nằm trong quy hoạch vành đai xanh của Thủ đô, Ứng Hòa có tiềm năng rất lớn để phát triển thị trường tín chỉ các-bon trong tương lai. Qua mô hình thí điểm này, xã sẽ tiến hành đánh giá hiệu quả và có kế hoạch để triển khai nhân rộng trong các vụ tiếp theo trên địa bàn toàn xã.
Trồng lúa giảm phát thải không chỉ là hướng đi phù hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu mà còn mở ra cơ hội tăng thu nhập bền vững cho người nông dân. Đây sẽ là một bước chuyển quan trọng để nông nghiệp Ứng Hòa phát triển theo hướng xanh, sạch và hội nhập./.